14 tháng 8, 2011

Phía Đông Vườn Địa Đàng

Không định post bài này nhưng vì phim quá hay và tình yêu trong phim thì không diễn tả nổi.
Trái tim thắt lại cùng với nỗi đau của những nhân vật. Mới xem đến tập 38 – phim 56 tập, gần như không dứt ra khỏi ám ảnh của những tình yêu trong phim.
Post lại bài trên báo TGĐA vì khá đầy đủ thông tin...

Lấy cảm hứng từ những áng văn thấp thoáng trong đầu mình suốt nhiều năm trước, tác giả Na Young Sook đã mang đến một tác phẩm xuất sắc, phức tạp, rắc rối nhưng lôi cuốn đến từng chi tiết nhỏ.
Phía đông vườn địa đàng là một siêu phẩm của truyền hình Hàn Quốc, được xem là bộ phim có tính nhân văn sâu sắc, kể câu chuyện của lòng người một cách chân thực, gần gũi, thể hiện mọi cung bậc, cảm xúc thăng trầm, có ngọt ngào và có cả đắng cay…



Mã số thành công
Có ba yếu tố xuất sắc tạo nên thành công của Phía đông vườn địa đàng. Đó là Chỉ đạo diễn xuất xuất sắc, Kịch bản xuất sắc và Diễn xuất của diễn viên xuất sắc. Trong số hơn 30 nhân vật chính và thứ chính, cộng một số vai phụ quan trọng, tác giả và đạo diễn sắp xếp khéo léo để không một ai chồng chéo lên nhau. Chuyện tình yêu tay ba, tay tư vẫn được hé mở đúng lúc. Mọi cung bậc dàn trải đều nhưng không gây nhàm chán hay quá quen thuộc, đến mức người xem có thể đoán trước kết cục như ở nhiều phim khác.
Tác giả Na Young Sook có lúc thấy mình như vắt kiệt sức lực để nghĩ ra những mưu đồ nham hiểm cho Shin Tae Hwan (Cho Min Ki đóng). Chính hai đạo diễn Kim Jin Man và Choi Byung Kil không ít lần sững người, khóc vì diễn xuất của Kim Bum và Song Sung Hun ngay từ phần đầu tác phẩm.



Anh ấy diễn hay không lời nào tả xiết, đó là nhận xét của tất cả khán giả khi nói về Song Sung Hun. 

Trong Phía đông vườn địa đàng, nhân vật trung tâm là Song Sung Hun, với sự thay đổi 180 độ, trở thành một Tough guy bị vùi dập, có một tình yêu đau đớn nhiều hơn là ngọt ngào nhưng vẫn khiến người xem thèm muốn dù chỉ một giây được sống trong cảm giác yêu đương với người đàn ông này.
Thành công của Phía đông vườn địa đàng, là sự gắn kết của những nỗ lực và tài năng. Không thể phủ nhận rằng, so với những tác phẩm truyền hình ăn khách khác, bộ phim mang đến một cảm nhận mới về phim Hàn, ngay từ những cảnh mờ mịt, đen tối ban đầu.



Nước mắt
Khán giả Jeon Mi Joo, người nhận giải đặc biệt trong cuộc thi hùng biện về Phía đông vườn địa đàng đã nói: “Nước mắt Song Sung Hun chảy trong suốt quá trình đóng Phía đông vườn địa đàng được ví có thể đong đầy một bể nước nhỏ trong gia đình. Còn nước mắt của Yeon Jung Hoon, Park Hye In, các diễn viên nữ Han Ji Hye, Lee Yeon Hee…cộng lại sẽ tạo thành con suối…Chúng tôi, những khán giả trung thành của bộ phim thấy mình như tan chảy, khi đồng cảm với nỗi đau của người mẹ Yang Joon Hee (Lee Mi Sook đóng) khi liên tục bị chính con đẻ của mình chà đạp. Số phận người nghèo, sự chà đạp nhân phẩm được khai thác trực diện, khiến người xem đau đớn, xót xa, hoảng hốt và thấy bất lực khi sờ lên má. Vị mặn của nước mắt dường như đã chạy cả vào tim…” 
Những câu chuyện kể
Chuyện của Lee Dong Cheol, chuyện của Lee Dong Wook, Shin Myung Hoon hay khát vọng, sự tôn thờ và cả những tham vọng của Ji Hyun, Young Ran và Hye Rin có thể là chuyện thật, cũng có thể là những mảnh đời rất xa lạ, không phải dễ kiếm tìm trong cuộc sống. Bộ phim rất khéo khi bắt đầu từ những vấn đề đơn giản, bình dị nhất trong thế giới thợ mỏ để nói về những hận thù, tham vọng và sự tàn ác ở những thế lực cao hơn, khai thác cả những mâu thuẫn, sự bất lực trong cuộc sống. Nam diễn viên Cho Min Ki nổi tiếng trở lại ở độ tuổi tưởng chừng như không thể cạnh tranh với dàn diễn viên trẻ. Ngôi sao gạo cội Lee Mi Sook, người thể hiện sự trả thù đáng sợ nhưng cũng rất đáng thương. Cô gái trẻ Lee Yeon Hee, con gái một trùm Mafia yêu đến mê mẩn một người đàn ông, sẵn sàng chết vì người đó thời buổi này không dễ kiếm. Những nhân vật trong Phía đông vườn địa đàng, họ là hiện thân của nỗi đau trong đời nhưng cũng chính họ, là người mang đến những thông điệp mới về nguồn cội, về lòng vị tha, về nước mắt đau và hận nhưng rồi vị mặn và cay sẽ được bù đắp bởi sự ngọt ngào…
Trong buổi lễ ra mắt bộ phim, hầu hết các diễn viên tham gia đều xúc động khi nói về vai diễn của mình. Không bàn đến sự chuẩn bị chu đáo, kinh phí chế tác rất lớn của bộ phim, hơn tất cả trong Phía đông vườn địa đàng là những mối quan hệ, sự đồng cảm, những câu chuyện khiến người đời như học hỏi thêm được rất nhiều điều.



Những gương mặt trong phim
Để có thể quy tụ cả một rừng sao, hơn thế lại là những diễn viên phù hợp với vai diễn đến từng ly từng tí là một cố gắng rất lớn của nhà sản xuất. Công ty GM, người giữ con át chủ bài là Song Sung Hun, cộng với công ty JYP Entertainment, người có Lee Yeon Hee chấp nhận từ chối nhiều cơ hội vàng khác để có thể sắp xếp “thân chủ” của họ tham gia dự án này.
* Song Sung Hun từng lo lắng, nếu nhân vật quá gai góc, thống khổ, rất có thể anh sẽ chỉ được thương xót chứ không làm thỏa mãn sự chờ đợi bấy lâu của người xem. Những trăn trở, đắn đo của Song Sung Hun sau cùng đã giúp anh nhận ra cần phải làm gì để khán giả khóc và hồi hộp theo từng giây phút Lee Dong Cheol xuất hiện. Không trầm lặng như Song Sung Hun của 13 năm về trước, cũng khác hẳn một Song Sung Hun mạnh mẽ sau khi từ quân ngũ trở về, Song Sung Hun của Phía đông vườn địa đàng là hình ảnh được chắt lọc từ những thành công được đánh đổi từ máu và nước mắt của anh.





* Yeon Jung Hoon cũng lựa chọn cơ hội tái ngộ khán giả rất thuyết phục. “Sự phục thù” của Song Song Hun khi đối diện với “kẻ thế chân” mình ở Bài tình ca buồn trở thành áp lực cho Yeon Jung Hoon nhưng sau cùng anh đã vượt qua. Nhân vật Lee Dong Wook không quá mạnh mẽ và sự đau khổ thể hiện tuy không bằng Dong Chul nhưng cũng rất xúc động. Sự tha thứ, trở về của Dong Wook lại khiến người xem suy nghĩ nhiều hơn. Yeon Jung Hoon đã hoành thành vai diễn khá thuyết phục, anh nhận được điểm 9 cho vai diễn này. 
* Park Hye In gây bất ngờ ở chính sự thay đổi, từ ngoại hình đến phong cách của mình. Những ai từng yêu mến Park Hye In ở hai phim trước, khi gặp lại anh trong Phía đông vườn địa đàng đã nói sẽ quay lưng lại với một Shin Myung Hoon máu lạnh, vì không thể tin nổi Park Hye In lại thay đổi nhanh đến thế? Ánh mắt chứa đầy thù hận và tham vọng, nhưng vẫn toát lên một sự hoảng hốt đáng thương cho dù Shin Myung Hoon luôn tỏ ra bản lĩnh chính là thành công đặc biệt nhất của Park Hye In.
* Han Ji Hye lột xác qua vai diễn Ji Hyun, thể hiện bản lĩnh và những tham vọng đặc biệt của một người phụ nữ. Cuộc đời Ji Hyun phức tạp, khiến Han Ji Hye lo sợ vai diễn có thể ám ảnh cuộc sống của mình nhưng cho đến phút cuối cùng, cô là người khóc nhiều nhất vì phải chia tay Ji Hyun. So với những phim đã đóng, nhân vật của Han Ji Hye lần này giúp cô trưởng thành hơn.
* Lee Yeon Hee bị xem là người yếu nhất trong một dàn diễn viên mạnh mẽ. Kinh nghiệm diễn xuất ít ỏi, mọi hành động thể hiện qua bản năng nhưng Lee Yeon Hee lại là người thành công nhất, nhờ chính sự khờ dại, thơ ngây qua diễn xuất của mình. Sau Phía đông vườn địa đàng, Lee Yeon Hee thấy mình như suy sụp. Nước mắt và nỗi đau, cộng thêm hạnh phúc sau cùng của Young Ran khiến một thiếu nữ tuổi 20 như Lee Yeon Hee mãi chưa trở lại được đời thường.
* Lee Da Hye đã có một cơ hội tuyệt vời nhưng tự cô vứt bỏ cơ hội đi tiếp cùng bộ phim nổi đình đám này. Hye Rin là một ác quỷ đội lốt thiên thần, tham vọng và biểu hiện những mưu mô khiến không ít người hoảng sợ. Sau khi rút vai vì không thỏa hiệp được với tác giả, cho rằng kịch bản viết cho Hye Rin quá khó hiểu, Lee Da Hye chấp nhận mọi tai tiếng trút lên đầu mình, chia tay vai diễn Hye Rin.
* Dennis O là một nét chấm phá cho thành công của bộ phim, cho dù nhân vật Michel của anh ban đầu tưởng như chỉ xuất hiện cho vui. Ngoại hình tuyệt vời của Dennis O chiếm 70% thành công nhưng không thể phủ nhận so với Cô cảnh sát đáng yêu và Ma nữ Yoo Hee, lần trở lại này Dennis O tự tin và tiến bộ hơn rất nhiều.
Theo TGĐA

6 tháng 8, 2011

Những Cái Cần Gạt Nước

Cuối tuần, đọc được một bài hay nên post len blog để giữ lại.

Chỉ một sự vật rất quen thuộc, chúng ta nhìn thấy mỗi ngày đến nỗi chẳng lưu tâm, nhưng bạn Hoài Nam đã nhìn thấy một vấn đề khác, rất "người", rất thâm thuý và lạc quan.

Thật sự ngưỡng mộ bạn, ngưỡng mộ cách bạn nhìn nhận cuộc sống, cách bạn quan sát thế giới chung quanh mình để nhìn cuộc sống bằng một lăng kính rất tích cực.



Những Cái Cần Gạt Nước

Bạn đã từng lái xe trong mưa, bạn có để ý đến cái cần gạt nước không ? Trời mưa như trút nước, nước phủ mờ mặt kính, che khuất cả đường đi. May mắn thay chúng ta có những cái cần gạt nước: kiên trì và đều đặn, chúng xoá nhoà nước mưa trên kính, giúp ta nhìn thấy đường để lái xe. Thật tiện dụng tuyệt vời!

Trên chuyến xe cuộc đời, có những nỗi buồn rơi rớt, những lo âu lất phất, những cơn giận vũ bão… chúng như cơn mưa cản trở hành trình của chúng ta, làm chúng ta không thấy đường đi, mất phương hướng, hoặc chán nản dừng xe lại, tự làm mất thời gian và công sức của mình, bạn có thấy lãng phí không? Này bạn, thay vì ngồi than thân trách phận hoặc tiêu cực chờ đợi, sao bạn không thẳng tay gạt những nỗi buồn, những điều không vừa ý sang một bên để tiếp tục đi, cho dù chậm thì cũng vẫn là đang tiến tới. Một u sầu gạt bỏ là bạn sẽ được nhìn rõ hơn và xa hơn một chút, tiến xa hơn một chút trên đường đi của mình.

Dầu vậy, cũng có những niềm đau, những nỗi buồn như cơn mưa dai dẳng, khó có thể xoá nhòa trong chốc lát. Bạn phải đều đặn, đều đặn gạt bỏ chúng như… những cái cần gạt nước. Muốn vậy, bạn phải kiên trì, quyết tâm lập đi lập lại một động tác trong tư tưởng: đẩy sang phải, đẩy sang trái, cho những gì không vừa ý văng khỏi đời mình như những hạt mưa văng khỏi kính xe; hãy chiến đấu cho tương lai phía trước, để rồi những lo âu rơi rớt, những cơn giận tung toé, những phiền muộn đọng lại sẽ bị gạt bắn ra đằng sau từng phần, từng phần, và nhẹ dần đi cho tới khi mất hẳn. Quan trọng là bạn phải biết gạt bỏ chúng một cách đều đặn, kiên trì. Trời sẽ lại sáng sau cơn mưa.

Người tài xế cẩn thận, dù biết rõ công dụng của chiếc cần gạt nước, cũng không dám khinh thường trời mưa. Đường trơn, tầm nhìn giới hạn, xe không thể chạy nhanh được; bạn cũng vậy, bạn có thể gạt bỏ được những điều tiêu cực, phật lòng, buồn đau, nhưng vẫn chịu những hậu quả tổn hại của chúng. Hãy tiến lên nhưng đừng phóng nhanh, chậm rãi chú ý xem xét để được an toàn cho lần sau. Và nếu tránh được thì nên tránh từ đầu, như người lái xe khi xem thời tiết, biết trời mưa thì có thể khởi hành sớm hơn hoặc muộn đi, có thể lái xe đi vòng hướng khác để tránh cơn bão dập vùi. Đừng tự chuốc lấy những điều không vừa ý khi mình có thể tránh được. Cuộc đời còn có bao việc phải làm; nếu không thật cần thiết thì cũng chẳng nên lái xe trong mưa.

Và nếu nhỡ ra phải đi trong mưa, bạn có để ý thêm không? Trên kính xe có tới 2 cái cần gạt nước. Chúng làm việc chung với nhau thật hợp «rơ», lui tới đều đặn, song song, hỗ trợ cho nhau, để đẩy nước mưa ra ngoài. Trong cuộc đời, có những nỗi buồn, những lo âu thật khó xoá với sức của một người. Hãy cùng chia sẻ với người thân, với bè bạn: gánh nặng được san sẻ thì đôi vai sẽ bớt mỏi, đường đi sẽ bớt xa hơn, dễ đi hơn. Khi có sự đồng tâm hiệp lực thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn, niềm vui cũng sẽ lớn hơn, đủ để đánh bại những nỗi buồn lớn.

Và sau hết, bạn hãy là người lạc quan. Hãy nhìn những cái cần gạt nước không chịu nằm im, chúng chuyển động không ngừng, cố đẩy nước đến từ mọi phía. Nếu bạn chỉ ngồi một chỗ mà lo âu thì bạn thật là người đáng lo, nếu bạn chỉ biết cằn nhằn những phiền toái thì chúng vẫn còn đó, nếu bạn đắm mình trong u sầu thì u sầu sẽ nhận chìm bạn. Hãy suy nghĩ cho lạc quan và hành động tích cực; Đối với người lạc quan, sớm hay muộn thì vấn đề cũng sẽ có giải pháp, điều cần là phải vui sống dù tạm thời chưa giải quyết chúng được.

Xưa kia có một bà cụ hay ủ rũ khi nghĩ đến 2 người con ở xa : trời mưa thì bà nghĩ đến người con bán dép rơm bị ế ẩm vì không ai mua dép rơm để đi mưa; trời nắng thì bà lại nghĩ tới người con bán dù vì ai lại mua dù mùa nắng. Hàng xóm thấy vậy xúm vào khuyên bà hãy nghĩ ngược lại : trời nắng thì nghĩ tới người con bán dép rơm được đắt hàng, còn trời mưa thì nghĩ tới đứa con làm dù không đủ bán. Bà cụ nghe theo và từ đó sống thật vui vẻ. Bạn biết không, đời sống vui hay buồn nhiều khi không phải do những việc bên ngoài, mà lại tuỳ thuộc vào suy nghĩ và cách sống của chúng ta. Nhiều việc có cả mặt tốt lẫn mặt xấu, nhưng nếu nhìn mặt tốt có lẽ chúng ta sẽ sống hạnh phúc hơn, tội gì phải làm ngược lại. Những buồn khổ, lo âu, bất hạnh nhiều khi đến bất chợt như cơn mưa và ai cũng gặp phải. Dù sao trời cũng đã mưa và chúng ta phải lái «chuyến xe cuộc đời».

Hãy vui vẻ lạc quan khi nghĩ đến… «những cái cần gạt nước».

Tác giả: Hoài Nam

4 tháng 8, 2011

Khe Khẽ Chạm Ngày Xưa...

Một mùa hè đáng nhớ kể từ khi rời mái trườngTrung học… Bạn bè từ bốn phương tụ họp lại, những nụ cười, những ôm siết vui mừng, đầy bâng khuâng vì những hoài niệm…
Cám ơn Xuân đã thay bạn bè viết nên những vần thơ - một câu chuyện cảm động của ngày về lại mái trường chứa đầy kỷ niệm của thuở ấy.

Khe Khẽ Chạm Ngày Xưa...

Bạn đã khóc khi ngồi trên chiếc ghế
Cạnh chiếc bàn thuở ấy tuổi ngây thơ
Thổn thức gục đầu, nỗi nhớ ngác ngơ
Cho lũ sẻ ngoài sân cùng ngơ ngác...

Bạn đã bước lên bậc thang ngày cũ
Có thoáng ngập ngừng bóng áo ngày xưa?
Nụ cười nào e ấp mỗi ban trưa
Con mắt ai liếc, làm ai ngơ ngẩn?...

Bạn có nghe vẳng lời chào giã biệt?
Của một ngày hè, niên học cuối, xa?
Tiếng ve hay là tiếng của tim ta
Đập rộn ràng khi nghe chuông vào lớp?...

Bạn đã bừng lên ngọt ngào ký ức?
Áo trắng bay trắng cả góc sân trường
Quay trở về với nỗi nhớ rưng rưng
Tay vuốt nhẹ sợi tơ vương ngày cũ...

Bạn đã về trong ngày dài ấp ủ
Xin được một lần ghé lại trường xưa
Ba mươi năm đời đăng đẳng như vừa
Khe khẽ chạm...ngày xưa thời con gái !...


Bạn đã về trong vòng tay thân ái
Của những ngày xanh yêu dấu thuở nào
Giọt lệ mừng, câu tương ngộ nôn nao
Nhận ra nhau tóc đã pha màu nắng...

Thôi hãy tạm quên nỗi niềm cay đắng
Tay trong tay cùng khẽ chạm... ngày xưa !...
Tháng 7, 2011
Trần Lệ Xuân


Lần nữa trái tim mình lại thổn thức vì những vần thơ của Xuân. Hồn thơ của bạn vẫn phong phú, trái tim bạn nhạy cảm vẫn không ngừng đập những nhịp yêu thương cho tất cả mọi người.
Thật hạnh phúc khi được đề tặng một bài thơ hay, tràn ngập cảm xúc như thế! Tưởng như mình đang hít thở mùi hương của kỷ niệm, được chạm tay vào cảm xúc của những ngày rất xa ấy…
Cám ơn bạn.

Đâu Đã Nhạt Phai...
Mùa hạ lùi dần theo những vòng quay
Xe đạp ơi! Thời gian và nỗi nhớ
Đã thức dậy chiếc lá vàng đâu đó
Lá của những ngày xưa cũ rất xa...
Mùa hạ tạ từ trường vắng bóng ai
Hàng cây lặng gió buồn nghe ve hát
Chùm phượng vĩ cũng im lìm ngơ ngác
Nỗi nhớ còn đây, áo trắng về đâu?...
Ba mươi năm như nước chảy qua cầu
Dáng nhỏ năm xưa ngập ngừng ghé lại
Vết khắc trên cây qua bao dầu dãi
Vẫn âm thầm nhận lại dấu tay ai?...
Mùa hạ ngày nào đâu đã nhạt phai
Mắt bỗng cay khi về thăm trường cũ...
Tháng 7, 2011
Trần Lệ Xuân

3 tháng 8, 2011

Hương Xa

Những vần thơ, vẫn đơn sơ vụng dại như ngày nào ... nhưng cảm xúc rất thật cho dù chỉ còn là một hương tình xa.



Hương xa

Đã có bao giờ anh nhìn lại

Một thời niên thiếu chẳng âu lo

Một thời gian khó một thời nhớ

Cả một thời anh đã ... từng yêu

Hàng cây góc phố con đường cũ

Đã mấy lần qua nhớ mấy lần

Dẫu đời có biết bao dời đổi,

cánh cổng ngày xưa đóng chặt rồi

Em vẫn đứng đó bên kỷ niệm

Khẻ khàng ... không dám gọi tên anh

Sợ bụi yêu thương làm cay mắt

Dù mắt đổi màu, mắt vẫn đau

Vẫn đau lắm, nỗi đau hoài nhớ

Dù ngày qua em cố để thờ ơ

Người đi xa đã xa cuối chân trời

Tình yêu ấy từ lâu mờ bụi phủ

Tình yêu ấy em vẫn hoài ấp ủ

Anh - dịu dàng vui tính rất thông minh

Em - mơ mộng hồn nhiên không toan tính

Chúng mình yêu như con nít trốn tìm

Anh bây giờ... em chẳng biết ra sao

Một người lạ như chưa từng gặp mặt

Em bây giờ... chẳng biết có còn em

Đời sống ấy phải khoác nhiều chiếc áo

Năm tháng đi qua, tình yêu còn mãi

đâu đó trong em, sâu thẳm linh hồn

đâu đó trong anh, phút giây chợt nhớ

dù chỉ còn là một thoáng hương xa...


3 tháng 8, 2011