31 tháng 12, 2012

Cảm xúc Thơ Đinh Thu Hiền

Bây giờ ít ai còn đọc thơ hay làm thơ. Thời đại thông tin, đọc nhanh, xem nhanh... Ít có bạn trẻ nào còn tìm đọc những vần thơ, tìm trong từng câu, chữ tâm tình người làm thơ muốn nói.
Bạn gửi cho đường link viết về Thơ Đinh Thu Hiền của Mặc Lâm, thấy thích nên đăng lại, mong chia sẻ với bạn bè còn thích đọc thơ, làm thơ để nhớ một thời học trò và yêu đương vụng dại.


Đinh Thu Hiền tốt nghiệp THPT năm 1994 và được tuyển thẳng vào ĐH Sư Phạm Hà Nội với Giải Ba học sinh giỏi Văn toàn quốc. Nhưng với đam mê trở thành một phóng viên, chị đã nộp đơn vào Phân viện báo chí và tuyên truyền Hà Nội. Ra trường, chị lần lượt thực tập và công tác tại báo Saigon Times Daily, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, tạp chí Thế Giới Mới.

Trong nghề làm báo Đinh Thu Hiền đã có những bài phóng sự được in thành sách. Tập phóng sự khoa học mang tên Phóng Sự Tình được in và tái bản vào năm 2004.

Đây là một điều lạ trong giới báo chí Việt Nam khi một phóng sự được in và tái bản. Phóng sự Đi Bụi cũng được người đọc đón tiếp nồng hậu và chị đã cho in tác phẩm thứ ba miêu tả chân dung những nhân vật nổi tiếng mang tên “Người Nổi tiếng, tôi biết” tác phẩm này được nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn in và phát hành năm 2007.

Đinh Thu Hiền nhận giải thưởng Viết về quyền trẻ em do Thụy Điển tổ chức năm 1991, Giải Nhất Tiếng thơ sinh viên Hà Nội năm 1995, Giải thưởng Tác phẩm tuổi xanh báo Tiền Phong năm 1995, và Giải thưởng thơ Bút Mới báo Tuổi Trẻ 1996.

Tháng Ba

Chỉ cần anh gọi tên em giữa hơi thở tháng ba
Cho em biết mình vẫn từng được nhớ
Dẫu tháng ba không hiến dâng hồng đỏ
Thì em trinh nguyên đâu chỉ một lần


Tháng ba đam mê lướt những ngón tay trần
Và khóc những điều em không còn giữ
Ở nơi đâu bao tận cùng ấp ủ
Nghe tháng ba thở sượt đầu hè


Chỉ cần tàn tro ngoảnh mặt quay đi
Cho em biết mình đã thành quá khứ
Gió tháng ba xoay những điều xưa cũ
Thôi đành thơm thảo với mình


 
Giọt nhạc nào lem ướt cả môi xinh
Dấu chấm than chắc gì là nước mắt
Cho em biết mình vẫn tồn tại thật
Dẫu nơi anh, cánh cửa chỉ khép hờ...

 

Vóc chữ trong thơ của Đinh Thu Hiền mang hơi hướm của mẩu người phụ nữ thời đại. Tuy bài thơ thoang thoáng những từ quen thuộc nhưng phía sau cái thường gặp ấy là một chuỗi những sáng tạo, những tìm kiếm khá chắt lọc và phá cách. Rõ ràng Đinh Thu Hiền đã thể nghiệm hướng đi trên chiếc giày mỏng manh nhưng mới mẻ. Mới là yếu tố cần thiết nhất cho một tài thơ muốn lên tiếng cho sự có mặt của mình. Mới, vì ngay bốn câu đầu Đinh Thu Hiền đã dẫn người đọc đến một câu hỏi:

Dẫu tháng ba không hiến dâng hồng đỏ
Thì em trinh nguyên đâu chỉ một lần

 

Trinh nguyên đâu chỉ một lần ngay lập tức ám ảnh. Người ta đã quá quen với phạm trù trinh nguyên như là một lần duy nhất hay không lần nào cả. Trinh nguyên đâu chỉ một lần mở ra tính cách đối kháng, phản ứng và chấp nhận sự phản biện. Từ những ẩn nghĩa trên, câu thơ trở nên mới và chập chùng ngữ nghĩa.

Tháng ba đam mê lướt những ngón tay trần
Và khóc những điều em không còn giữ
Ở nơi đâu bao tận cùng ấp ủ
Nghe tháng ba thở sượt đầu hè

Cả bốn câu có cấu trúc hoán chuyển lẫn nhau. Từ tháng Ba đến em và ngược lại. Em và tháng Ba như trộn lẫn vào nhau đến nỗi tháng Ba thở dài sườn sượt còn em thì rũ rượi dưới cái ve vuốt của tháng Ba ướt sũng. Những câu thơ đẹp và hiếm khiến người đọc vừa hăm hở lại vừa ngại ngùng khám phá. Chỉ bao nhiêu, Đinh Thu Hiền đã lấy mất sự nhàm chán từ người đọc thơ hôm nay.





Với bài thơ Nốt trầm, Đinh Thu Hiền mở ra một cánh cửa khác, ẩn ức hơn, hoàng hôn hơn và dường như đã có tiếng khóc trong thơ chị.

Nốt trầm

Nếu còn đam mê để khóc
Lục bình duyềnh tím bờ sông
Đôi khi thấy mình dại quá
Kỷ niệm chảy vắt qua lòng
Câu thơ em rêu đã phủ
Em đi sợi tóc tiễn chân
Trái tim ngàn đời đóng cửa
Tình yêu rơi lại nốt trầm

Nếu còn đam mê để khóc
Đèn đường đỏ mắt đợi chờ
Dối nhau, ừ như ngày cũ
Chiều đi, vứt lại ngây thơ

Phố đã ướt mèm như thể
Ngũ sắc là mây, là em
Thôi anh, mùa sang quá nửa

Chẳng đành đau xóc nỗi niềm


Trong bài “Nốt trầm” Đinh Thu Hiền bỗng nhiên chững lại. Tiết tấu của những câu 6 chữ trở nên đều đều, như tiếng mỏ chiều hôm thoát ra từ một ngôi tịnh thất nào đó. Âm điệu của các câu sáu chữ đè lên và quấn quýt lấy nhau khiến sự liên tưởng hướng tới những việc đã rồi, đã như thế và vĩnh viễn không thể nào thay đổi. Có chăng là cay đắng ở bốn câu cuối cùng.
 
 

Khi đọc hai câu: “Ta bé quá mà sân trường rộng quá, biết đứng đâu thành người lớn bây giờ?” trong bài thơ “Bất ngờ” chắc nhiều người sẽ mỉm cười và liên tưởng ngay đến thời học trò của mình. Đinh Thu Hiền chọn cách mở lại cánh cửa quá khứ của tuổi học trò một cách bất ngờ như tựa bài thơ và đôi chút khác thường.

Bất ngờ

Xin gửi lại chút lòng kiêu hãnh
Nụ cười ai ám ảnh suốt tuổi thơ
Ta bé quá mà sân trường rộng quá
Biết đứng đâu thành người lớn bây giờ ?

Xin gửi lại ngoài hiên con nắng
Bước chân ai thầm lặng đi qua
Tiếc thật đấy mắt ngà môi rất mộng
Khe khẽ buồn nhặt cánh phượng xanh

Xin gửi lại chút tình mỏng manh
Như con mắt ai vừa giận dỗi
Giọt khóc trinh nguyên rơi nóng hổi bàn tay
Thế là xa tuổi thơ ngây

Xin gửi lại chút tình cây cỏ
Nhờ gió mang đi cho thỏa nỗi niềm
Tiếng ve kêu đến thản nhiên
Khi cánh phượng đỏ cả miền yêu thương!

 

Ai cũng từng đã có thời đỏ mặt một cách ngây ngô vì hương thơm con gái và vỡ giọng ra để trở thành đàn ông…Nếu là áo trắng tinh khôi thì một vài giọt mực tinh nghịch vấy lên có khả năng làm tròn cặp mắt nhung tơ, để rồi có thể dẫn đến một mối tình trong veo của tuổi học trò.

Những câu thơ tình yêu học trò tuy nhiên, đã trở nên khó viết, hay chính xác hơn khó viết cho hay để khác với hàng vạn người đã viết trước đó. Đinh Thu Hiền đã không khó khăn lắm khi vén lại tấm màn bụi ám cho người quen kẻ lạ đi ngang nhận ra bao điều quen thuộc mà trước đó họ chưa từng thấy. Chị bảo với lòng “xin gửi lại chút lòng kiêu hãnh, nụ cười ai ám ảnh suốt tuổi thơ”… nhưng nào có được đâu vì cả bài thơ là một trời thương nhớ!

 

Đinh Thu Hiền có một bài thơ rất lạ. Bài thơ mang cái tựa rất dễ gây sốc:

Viết cho người yêu cũ của người yêu

Em xin chị đừng khóc nữa
Trước em, chị của người ta
Em thì mỏng manh nhường ấy
Tình yêu đâu có buông tha


Chị yêu anh ngày đã cũ
Em yêu anh mới đây thôi
Em xin chị đừng khóc nữa
Hạnh phúc có cánh bay rồi


Chẳng ai cân đong đo đếm
Chẳng ai xẻ nửa trái tim
Chị ơi sợi tình dài thế
Em ngây ngô cũng đi tìm


Em xin chị đừng khóc nữa
Trước em, chị cũng được yêu
Cuộc đời còn bao lầm lẫn
Môi son em quệt ngang chiều...


Nghe ra bài thơ có lắm điều đáng nói!
Điều đáng nói trước tiên là chưa có ai làm thơ cho người yêu cũ của người yêu của mình! Không phải khó mà vì ngại! Ngại vì nỗi tự ti mình là người đến sau, đến sau nên chọn sự im lặng là cách mà đời thường thấy, nhưng Đinh Thu Hiền thì khác, có lẽ quen với tính cách báo chí, lùng sục vào những khu vực khó nhất đề tìm cho ra chân lý và chị chấp nhận trò chuyện với người yêu cũ của người mình đang yêu, như hai người bạn, hai tính nữ và chính trong câu chuyện, Đinh Thu Hiền đã phát hiện ra sự lầm lẫn của mình. Một mình mình thở dài cho cái lầm lẫn ấy, chị viết:

Cuộc đời còn bao lầm lẫn
Môi son em quệt ngang chiều...


Môi son em quệt ngang chiều vừa tội nghiệp vừa chua chát não nề!

Bản nhạc cho mùa

Thôi anh ạ, heo may giờ đã chín
Gắp mùa thu bỏ vào hạnh phúc người
Khi nước mắt làm cong lối cũ
Đứng đợi mùa như thể đã tàn hơi

Hà Thành cũ đến từng viên gạch ướt
Những con đường bạc phếch như nhau
Thì răng khểnh cười xuyên ký ức
Gió Hồ Tây ngàn ngạt thổi ngang đâu

Thôi anh ạ, búp bê giờ đã khác
Câu thơ em lời đề tặng cho không
Bốc thăm hẹn hò, trò chơi xúc xắc
Sao nỡ đẩy nhau đến một chỗ vô cùng?

Em kiêu hãnh đặt gót giầy xuống phố
Những chàng trai nháy mắt bên đường
Dẫu biết lắm thêm một ngày quyến rũ
Nhưng đành nghe tim gõ nhạc vô thường

Tuổi hai mươi


Vắt ngang anh một nỗi buồn
Con sông chảy ngược vẫn còn mông mênh
Ném ngây thơ giữa tim mình
Chiếc nơ để ngủ trong tình còn say

Thôi em khóc giữa ban ngày
Lời thề như chiếc khăn tay ướt rồi
Tuổi hai mươi, tuổi hai mươi
Có khi yêu cả tiếng cười cũ xưa

Vắt ngang anh một lời đùa
Anh đâu dại dột đón đưa hão huyền
Chỉ riêng em mải mê tin
Thôi đành dồn hết hồn nhiên cho người

Tuổi thơ ta đã nhạt rồi
Xin đừng đùa giỡn trò chơi cuối cùng.


Chỉ vài bài thơ nhưng tính cách Đinh Thu Hiền hiện ra rất rõ. Thơ của Chị có nét thanh thản của một cô gái vừa bước chân ra khỏi nhà nguyện, đôi khi lại run rẩy tự hờn giận mình nhiều điều vô lý. Đinh Thu Hiền có những câu chữ lẻ loi nhưng bóng bẩy một cách kỳ lạ. Trong bài “Tuổi hai mươi” chị viết:

Vắt ngang anh một nỗi buồn
Con sông chảy ngược vẫn còn mông mênh

 

Đôi lúc Đinh Thu Hiền làm người đọc chấp chới vì cách dụng chữ của chị. Hai câu trong bài “Bản nhạc cho mùa” Heo may đã chín, gắp mùa thu bỏ vào hạnh phúc người … là một cặp chữ đầy sắc tố. Chín “đỏ” và “vàng” thu làm cho câu thơ ý vị và tràn ngập ánh sáng.

Thôi anh ạ, heo may giờ đã chín
Gắp mùa thu bỏ vào hạnh phúc người

 

Cũng trong bài “Bản Nhạc cho mùa” hai câu “Khi nước mắt làm cong lối cũ, Đứng đợi mùa như thể đã tàn hơi” khiến người đọc liên tưởng đến hai câu thơ bất hủ khác của vua Tự Đức: “Đập cổ kính ra tìm bóng cũ, xếp tàn y lại để dành hơi….”

Tuy nhiên cũng chỉ là liên tưởng. Trong khi hai câu thất ngôn của vua Tự Đức như một tiếng thở dài trong cung lạnh, thì Đinh Thu Hiền tuy cũng có nước mắt, có tàn hơi nhưng nghe ra vẫn còn quá nhiều lạc quan vì câu thơ đậm đặc sức trẻ. Sức trẻ của nó có thể lấy nước mắt làm cong cả lối đi thì còn sự lạc quan nào mạnh hơn tình yêu nữa hay không?

Ở một chữ “cũ” khác Đinh Thu Hiền viết:

Hà Thành cũ đến từng viên gạch ướt
Những con đường bạc phếch như nhau
Thì răng khểnh cười xuyên ký ức
Gió Hồ Tây ngàn ngạt thổi ngang đâu


Người Hà Nội chắc sẽ chạnh lòng biết mấy khi nghe bốn câu này. Chạnh lòng nhưng hãnh diện vì trong cuốn sổ tay ký ức viết về Hà Thành đã có thêm những lời lấp lánh, hay, buồn và hoen cũ như Năm Cửa Ô…

Người con của Hà Nội ấy giờ này đang ở Sài Gòn và chị đang tất bật sửa soạn cho một tập thơ khá lạ do chị và một người bạn thơ cũng mang tên Đinh Thu Hiền nhưng ở Hà Tĩnh. Đinh Thu Hiền Hà Tĩnh cũng từng lãnh giải thơ thiếu nhi như chị ….Đây cũng là lần đầu tiên Đinh Thu Hiền in thơ, và theo chị cho biết thì chỉ dành riêng để tặng bạn bè, không bán.

Đúng như nhiều người thường nói, không có gì khó hơn làm thơ để bán!


theo Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét