17 tháng 4, 2012

Nền Tảng của Tình Yêu

Tình yêu, bài ca muôn thuở của nhân loại, ai cũng cố tìm kiếm một tình yêu đích thực, duy nhất cho riêng mình, nhưng ít có ai nghĩ rằng để có được tình yêu thì mình sẽ như thế nào để xứng đáng với tình yêu ấy, để có thể làm cho tình yêu ấy ngày càng thăng hoa và tồn tại mãi với thời gian trong cuộc đời vẫn luôn đầy sóng gió.

Đọc Nền Tảng của Tình Yêu chợt nhận ra lời Phật dạy giản đơn mà thâm thúy đến bất ngờ.
Những mù mờ tăm tối khi đắm chìm trong những cảm xúc nhất thời mà ta cứ ngỡ mình đang yêu, vì yêu mới phải chịu những điều như thế, rồi hân hoan nhấn chìm mình trong nỗi đau không đáng có với niềm tự hào rằng ta đang đau đớn vì tình yêu, chung thủy với những nỗi ưu phiền dằn vặt và cho rằng ta là người yêu đương hết lòng...

Đọc Từ, Bi, Hì, Xả của Phật để thấy những cảm xúc đau đớn, tiêu cực làm một người - ngỡ như đang yêu - lụi tàn, héo úa thì không phải đến từ tình yêu, không phải là tình yêu, bởi nếu yêu với Từ, Bi, Hì, Xả sẽ không đau đớn như thế, bởi YÊU là dâng tặng và thông hiểu.
Không có được người mình yêu trong cuộc đời nhưng biết rằng người ấy vẫn hạnh phúc, thì mình có đau khổ đến tuyệt vọng không, hay vẫn bình tâm vì người ấy vẫn còn hít thở mỗi ngày, người ấy vẫn vui...?

Nếu như ngày đó... khi nỗi buồn phải đánh mất tình yêu làm cho mình gần như gục ngã... mình hiểu được điều này, có lẽ cuộc đời mình cũng đã khác.

Mong mỗi người tìm được tình yêu và tình yêu đó sẽ đem lại niềm vui, hạnh phúc và làm cho mọi người tỏa sáng.


 Nền Tảng của Tình Yêu

...
Ngày này có ai biết Phật dậy như thế nào về tình yêu không? Yêu thương theo phương pháp của đạo Phật là tình yêu từ bi hỉ xả, là hiểu biết và yêu thương.

Trong đạo Phật từ bi gắn liền với trí tuệ. Khi có trí tuệ thì chúng ta có thể hiểu nhau. Không hiểu thì không thể yêu thương sâu sắc, không hiểu thì không có tình yêu đích thực. Vì thế, hiểu là nền tảng của tình yêu thương.

Có hiểu thì mới có thương. Mỗi một cá nhân đều có những nỗi niềm, suy nghĩ riêng. Nếu không hiểu sẽ dẫn đến trách móc, giận hờn. Và điều làm cho tình yêu có thể trường tồn mãi mãi là đó sự tin tưởng lẫn nhau. Khi ta tin người khác như tin chính bản thân mình thì mình sẽ không bao giờ nghi ngờ họ, có như thế thì tình yêu thương mới tồn tại được.

Phật dạy về tình yêu rất sâu sắc. Tình yêu phải hội đủ bốn yếu tố: từ, bi, hỉ, xả:

"Từ" là khả năng hiến tặng hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu thương không phải là vấn đề hưởng thụ, yêu thương là hiến tặng. Tình thương mà không đem đến hạnh phúc cho người yêu không phải là tình thương đích thực. Yêu mà làm khổ nhau không phải tình yêu. Có những người yêu nhau, ngày nào cũng khổ, đó là tình yêu hệ luỵ, chỉ mang tới sự khổ đau. Yêu thương ai đó thực sự, nghĩa là làm cho người ta hạnh phúc, mỗi ngày.

"Bi" là khả năng người ta lấy cái khổ ra khỏi mình. Mình đã khổ, người ta làm cho thêm khổ, đó không thể là tình yêu đích thực. Còn gì cho nhau nếu chỉ có khổ đau tuyệt vọng. Người yêu mình phải là người biết sẻ chia, biết xoa dịu, làm vơi bớt nỗi khổ của mình trong cuộc đời.

Như vậy, "từ bi" theo Phật dạy là khả năng đem lại hạnh phúc cho nhau. Yêu thương ai là phải làm cho người ta bớt khổ. Nếu không, chỉ là đam mê, say đắm nhất thời, không phải là tình yêu thương đích thực. "Từ bi" trong tình yêu không phải tự dưng mà có. Phải học, phải "tu tập". Cần nhiều thời gian để quan sát, lắng nghe, thấu hiểu những nỗi khổ niềm đau của người yêu, để giúp người ta vượt qua, tháo gỡ, bớt khổ đau, thêm hạnh phúc.

"Hỷ" là niềm vui, tình yêu chân thật phải làm cho cả hai đều vui. Dấu ấn của tình yêu đích thực là niềm vui. Càng yêu, càng vui, niềm vui lớn, cả gia đình cùng hạnh phúc. Cuộc nhân duyên như thế là thành công.

"Xả" là không phân biệt, kì thị trong tình yêu. Mình yêu ai, hạnh phúc của người ta là của mình, khó khăn của người ta là của mình, khổ đau của người ta là của mình. Không thể nói đây là vấn đề của em/anh, em/anh ráng chịu. Khi yêu, hai người không phải là hai thực thể riêng biệt nữa, hạnh phúc khổ đau không còn là vấn đề cá nhân. Tất cả những gì mình phải làm coi đó là vấn đề của hai người, chuyển hoá nỗi khổ đau, làm lớn thêm hạnh phúc.





1 nhận xét: